Với những người trên 40 tuổi thì bắt đầu có dấu hiệu bị gai cột sống. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ người bị bệnh gai cột sống ở những người trẻ tuổi cũng đang gia tăng đến mức báo động, đặc biệt là với giới văn phòng do họ thường ngồi từ 8-12 tiếng làm việc. Nếu bạn đang là công chức, dân văn phòng hay học sinh sinh viên thì nên tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về căn bệnh này nhé

1. Bệnh gai cột sống là gì

Bệnh gai cột sống có thể hiểu nôm na cũng là bệnh thoái hóa cột sống ở lưng và cổ. Phần sụn được bao bọc ở 2 đầu xương giúp các khớp không cọ xát vào nhau và tạo độ trơn bóng. Trải qua thời gian thì phần sụn và xương trên thân đốt sống bị thoái hóa và tạo ra phần gai xương này. Nó cản trở sự cử động của xương và gây ra đau đớn cho người bệnh.

Bất cứ phần nào của cột sống cũng có thể mọc gai cột sống, tuy nhiên nó rất ít khi mọc ở phía sau nên hiếm khi chèn vào rễ thần kinh và tủy. Nó chủ yếu mọc ở mặt bên và mặt trước của cột sống. Ngoài ra nó có thể xuất hiện ở trên đầu gối và dưới bàn chân của con người.

2. Nguyên nhân của bệnh gai cột sống

-Do người bệnh bị chấn thương sau tai nạn làm hư hại xương và khớp ở cột sống, và lúc đó cơ thể sẽ hình thành gai cột sống. Để sửa chữa những vị trí xương bị tổn thương này thì có thể cũng hình thành các gai cột sống.

-Tình trạng canxi bị lắng đọng trên dây chằng dưới dạng calcipyrophosphat: Quá trình thoái hóa cột sống sẽ làm mất nước ( chiếm phần lớn trong sụn ), làm cho sụn dễ bị canxi hóa.

-Thoái hóa cột sống, viêm khớp cột sống: Viêm khớp cột sống sẽ làm cho phần sụn ngày một hao mòn dần, thô ráp, các thành phần quanh khớp như là dây thần kinh, dây chằng và đĩa đệm cũng bị tổn thương và thoái hóa. Và để khắc phục tình trạng 2 bề mặt xương cọ xát lên nhau thì cơ thể sẽ khắc phục và điểu chỉnh, nhưng lại mang kết quả xấu là hình thành gai xương gây bất lợi mỗi khi cử động.

-Ngoài ra còn một vài nguyên nhân khác dẫn tới gai cột sống là lao động không đúng tư thế, ăn uống không đủ chất, mang gien có tác dụng làm cho đĩa đệm yếu hơn bình thường ( yếu tố di truyền ), béo phì.

Bệnh gai cột sống là gì? ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh và cách điều trị 1

3. Triệu chứng của bệnh gai cột sống

-Triệu chứng rõ nhất là đau bả vai, cánh tay, đau vùng lưng, chân và cổ vì khi đó gai đang cọ xát với rễ thần kinh hay xương, dây chằng. Nếu người bệnh ngưng cử động thì cơn đau cũng sẽ biến mất.

-Khi nâng vật nặng hay khom người xuống phía trước cũng gây ra tình trạng đau nhức.

-Người bệnh cảm thấy mất cân bàng và mất cảm giác ở phần cột sống có liên quan.

-Người bệnh gai cột sống hay bị đau thắt lưng, đau vai và tê mỏi.

-Khi ngồi thì người bệnh có cảm giác đau hơn so với khi đứng. Và nếu đứng lâu thì cũng đau không kém.

-Thường là bắp tay và bắp chân sẽ yếu dần đi.

-Một số trường hợp không kiểm soát được vấn đề đi vệ sinh.

4. Phương pháp chữa trị bệnh gai cột sống:

Trong trường hợp gai chèn ép vào hệ thần kinh làm cho đau các chi, người bệnh khó khăn trong sinh hoạt cá nhân thì cần phải phẫu thuật để cắt bỏ gai. Tuy nhiên phẫu thuật cũng chỉ là biện pháp tạm thời vì gai xương sau này vẫn có thể mọc lại vì đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể để đối phó với tình trạng viêm cột sống.

Người bệnh gai cột sống có thể điều trị lâu dài bằng cách sử dụng thuốc giãn cơ như eperison hoặc các loại thuốc giảm đau thường dùng cho đau cấp tính như: celecoxib, paracetamol, melocicam. Uống kèm với B6, B1, và B12

Người bệnh có thể mát xa, vật lý trị liệu bằng hồng ngoại, điện xung hay sóng ngắn.

Để giảm bớt các gánh nặng lên đốt sống bị bệnh thì người bệnh cũng có thể sử dụng các dụng cụ nâng đỡ như kẹp cổ chẳng hạn.

5. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh gai cột sống:

-Tránh các tư thế làm việc hoặc thể thao không tốt cho cột sống như khom lưng chẳng hạn.

-Tránh các lực tác động vào cột sống.

-Không nằm trên ghế, võng hay nệm mềm.

-Hạn chế ngửa cổ hoặc xoay cổ.

-Nếu là người béo thì nên giảm cân tối đa để giảm áp lực trọng lượng lên cột sống.

-Chịu khó bồi bổ dưỡng chất, ăn nhiều thức ăn có chứa canxi như ăn cá…

-Nằm ngửa và kê gối thấp

Bệnh gai cột sống sẽ gây đau nhức và làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như sinh hoạt cá nhân của bạn. Vì vậy nếu thấy có dấu hiệu mình bị một trong những triệu chứng về cột sống như trên thì bạn nên đi khám, chiếu chụp X Quang để phát hiện ra vị trí của gai cột sống và điều trị sớm. Ngoài ra bạn cũng nên thực hiện đúng các tư thế sinh hoạt để hạn chế được bệnh.