Sau các vụ tai nạn giao thông ( va chạm xe đạp, xe máy, ô tô ), chấn thương khi chơi thể thao ( bóng chuyền, bóng đá, tennis..) hay tai nạn sinh hoạt ( trượt ngã ) có một tỷ lệ khá lớn bị giãn dây chằng đầu gối ( tỷ lệ do chơi thể thao lên đến 70% ), dẫn đến ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt đời sống cá nhân của người bệnh. Vậy phải làm sao để đối phó với chứng giãn dây chằng đầu gối? Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây:

1. Triệu chứng giãn dây chằng đầu gối:

Thời gian đầu người bệnh sẽ bị đau nhiều ở khớp đầu gối và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt

Sau khoảng nửa tháng đến 1 tháng thì các cơ phía trước đầu gối bị teo lại. Bình thường các cơ đã bù lại chức năng của dây chằng thì sẽ không bị lỏng gối. Nhưng khi giãn dây chằng đầu gối thì mâm chày không có gì giữ cố định nên sẽ bị bán trật ra ngoài gây đau.

Về lâu dài gối sẽ bị hư do thoái hóa sụn, mâm chày bị bán trật nhiều lần dẫn đến đầu gối sẽ đau thường xuyên khi đi lại.

2. Bị giãn dây chằng đầu gối thì người bệnh nên làm gì:

Nếu trường hợp nặng bị rách hoặc rạn nứt sụn chêm đầu gối:

Xương chày hoạt động được trơn tru trong ổ khớp là nhờ vào dịch bôi trơn ở sụn chêm này. Sụn chêm chính là phần bọc ở ngoài ổ khớp gối và xương chày. Nếu như sụn chêm này bị rạn nứt thì bề mặt của nó sẽ xuất hiện các rãnh nứt chứ không được trơn bóng như lúc đầu nữa. Khi người bệnh đi lại thì các rãnh nứt này sẽ cọ xát vào ổ khớp khiến người bệnh bị đau.

Người bệnh nên đến bệnh viện để chụp X quang cho chính xác xem là tổn thương do đâu, chụp cộng hưởng MRI xem sụn chêm và dây chằng bị tổn thương như thế nào. Nếu như bị rách quá nặng thì các bác sĩ sẽ dùng phương pháp nội soi để nối phần sụn bị tổn thương đó hoặc mổ gắp các mảnh sụn rách. Ngược lại nếu tổn thương chỉ nhẹ thôi thì bác sĩ sẽ kích thích để sụn liền lại.

Trường hợp bị đứt hoặc giãn dây chằng:

Các dây chằng ở vùng đầu gối có nhiệm vụ bảo vệ khớp. Một khi nó bị tổn thương như đứt hoặc bị giãn thì người bệnh có cảm giác đau và cảm thấy khớp gối như lỏng lẻo. Lúc này bạn không nên chườm nóng vì có thể khiến cho tình trạng khớp càng sưng thêm. Trường hợp dây chằng bị tổn thương nhẹ cũng vậy, người bệnh có thể dùng salonpas hoặc gel lạnh, chườm đá lạnh để làm dịu cơn đau, chỉ khoảng sau 2 tháng sẽ phục hồi lại như ban đầu. Với người bệnh bị đứt dây chằng thì người bệnh nên sử dụng thuốc chống phù nề cùng với thuốc giảm đau NSAIDs và thuốc chống viêm. Có thể sẽ phải sử dụng thêm nẹp để cố định khớp gối bị bất động.

Nguyên nhân và cách tập luyện để điều trị giãn dây chằng đầu gối 1

3. Người bị giãn dây chằng đầu gối nên tập luyện ra sao

Bài số 1: Cơ bắp chân có tác dụng làm dịch chuyển phần xương dây chằng ra trước, nhờ đó mà 2 khớp gối cũng trở nên vũng chãi hơn. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tì trọng lượng cơ thể lên cơ bắp chân khi người bệnh đã có chuyển biến tích cực.

Bài số 2: Người bệnh chuẩn bị một chiếc chăn mỏng sau đó cuộn lại. Tiếp theo kê chăn cuộn dưới phần bắp chân và đùi của bên chân bị giãn dây chằng sao cho nhấc khỏi mặt giường. Cuối cùng dùng tay ấn gối xuống mặt giường sao cho duỗi thẳng gối trong vài giây. Cứ thế lặp lại động tác này nhiều lần.

Bài số 3: Người bệnh sẽ được sử dụng nạng để hỗ trợ trong việc đi lại dễ dàng. Sau đó người bệnh đứng thẳng, nhón 2 chân để nâng phần thân lên trên, 1 tay tựa vào ghế. Sau đó cứ giữ như vậy trong khoảng 5-10s rồi quay trở lại như ban đầu. Động tác này có thể làm đi làm lại khoảng 10 lần.

Bài số 4: Người bệnh duỗi thẳng 2 chân và kê dưới gót một chiếc chăn mỏng ( giống với bài tập số 2, bạn có thể xem lại phía trên ). Kế đến các cơ tứ đầu gối gồng căng lên để giữ gối cho vững rồi nhấc chân ra khỏi mặt giường, khoảng 30cm là được. Lặp đi lặp lại khoảng 10 lần cho đến khi chân duỗi thẳng được hoàn toàn. Bài tập này sẽ giúp hạn chế được tình trạng teo cơ.

Bài số 5: Bắt đầu từ tháng điều trị thứ 2 trở đi thì bắt đầu tập bài tập này. Người bệnh vẫn duỗi thẳng chân trên giường. Tiếp theo ấn gót chân xuống mặt giường và phần cơ phía sau đùi gồng lên nhẹ nhàng, giữ như vậy trong khoảng 10s rồi thả lỏng nhẹ nhàng. Động tác này có thể lặp lại nhiều hơn 1 chút. Khoảng 12 lần.

Bài số 6: Người bệnh nằm trên giường, 2 chân dựa vào tường, chân tạo với lưng 1 góc vuông 90 độ. Tiếp theo bàn chân bên gối bị giãn dây chằng co lại dần cho đến khi khớp gối căng thì dừng lại. Giữ nguyên như vậy trong khoảng nửa phút rồi trượt bàn chân về vị trí ban đầu. Động tác này lặp lại khoảng 4 lần. Nếu như người bệnh cảm thấy chán thì có thể đổi sang tư thế ngồi cạnh giường và gập gối 90 độ cũng được.

Trên đây là một số bài tập giúp người bệnh bị giãn dây chằng khớp gối nhẹ có thể phục hồi. Tập xong các bài tập này người bệnh cần tránh tối đa các va chạm ở khớp gối cũng như đi lại nhẹ nhàng để cơn đau không tái phát. Còn nếu như bị quá nặng thì người bệnh nên đi khám để được chữa trị kịp thời.