Khớp gối là khớp nâng đỡ cơ thể và vận động thường xuyên nên là khớp dễ thoái hóa. Thoái hóa khớp gối sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống sinh hoạt. TS. BS. Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình II, bệnh viện Việt Đức Nguyễn Mạnh Khánh sẽ giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này.

PV: Xin BS cho biết bệnh thoái hóa khớp gối do đâu?

TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh: Bệnh thoái hóa khớp gối do hậu quả tổn thương sụn khớp bị thoái hóa, quá trình tổng hợp chất cơ bản tế bào sụn khớp bất thường. Bệnh được chia thành 2 loại chính là: thoái hóa nguyên phát không xác định được nguyên nhân và thường gặp ở người trên 50 tuổi và thoái hóa thứ phát do chấn thương, bệnh lý liên quan tới xương sụn hay bệnh lí về nội tiết.

Thoái hóa khớp gối: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1

PV: Có những triệu chứng nào nhận biết thoái hóa khớp gối thưa BS?

TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh: đau khớp gối chủ yếu về đêm là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Các cơn đau thường có tính chất cơ học, khi đi lại thì đau nhiều và dần tăng lên ngay cả nghỉ ngơi, vào ban đêm. Đôi khi, người bệnh còn có cảm giác khớp bị cứng, chủ yếu vào thời điểm buổi sáng ngủ dậy. Trong quá trình cử động trong khớp thường phát ra tiếng lạo xạo, phì đại xương nhưng lại không có dấu hiệu viêm, sưng đỏ khớp gối.

Hình ảnh X quang thoái hóa khớp gối sẽ có đặc điểm: khe khớp bị hẹp không đều nhau, mọc gai xương và nơi tiếp giáp giữa xương, sụn thường đậm đặc. Phát hiện tổn thương nhỏ sụn khớp, xương dưới đùi khi chụp cắt lớp vi tính CT Scanner. Bác sĩ có thể chỉ định nội soi các khớp để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp gối chính xác hơn.

Thoái hóa khớp gối: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2

PV: Thưa BS thoái hóa khớp gối ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cuộc sống người bệnh. Vậy cách chữa thoái hóa khớp đầu gối như thế nào?

TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh: Mục đích của các phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp gối là: cải thiện chức năng vận động của bộ phận khớp gối đồng thời có thể giảm triệu chứng đau nhức do bệnh gây ra. Đầu tiên, bệnh được chữa trị bằng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm và tăng cường bổ sung chondroitin, glucosamin, tiêm thuốc acid hyaluronic đồng thời thực hiện bài tập phục hồi chức năng. Phương pháp vật lí trị liệu cũng hỗ trợ tích cực giúp người bệnh giảm phù nề, đau nhức, tăng khả năng vận động của khớp gối, phục hồi chức năng sinh hoạt bình thường của người bệnh.

PV: Xin chân thành cảm ơn BS đã cung cấp thông tin hữu ích về bệnh thoái hóa khớp gối!