Trong các bệnh nhân bị loãng xương thì người bị gãy xẹp đốt sống chiếm tỷ lệ cao nhất. Những người có tuổi càng cao thì có tỷ lệ mắc bệnh càng cao, chiếm tỷ lệ hơn 50% ở phụ nữ ở tuổi 80 trở lên và những nam giới nhiều tuổi cũng có tỷ lệ mắc bệnh khá lớn. Theo ước tính ở Mỹ thì trong số 34 triệu người có mật độ xương thấp thì có 10 triệu người bị loãng xương, trong đó nữ cao gấp 4 lần nam giới và hàng năm ước tính có khoảng gần 1 triệu người bị gãy xẹp đốt sống. Ở việt nam số người bị bệnh này cũng đang ở mức báo động. Gãy xẹp đốt sống có thể có hoặc không có triệu chứng, nhưng những người đã bị một lần rồi thì rất dễ bị lần thứ 2. Vậy xẹp đốt sống là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh và nó gây ra những biến chứng nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

Xẹp đốt sống là gì

Nó là tình trạng thân đốt sống hay các khối xương bị xẹp dẫn đến các đốt sống bị mất chiều cao và biến dạng. Xẹp đốt sống hay xảy ra ở phần đốt sống thắt lưng hay ở phần ngực thấp.

  1. Nguyên nhân gãy xẹp đốt sống

Xẹp đốt sống do ung thư di căn vì nó có thể phá hủy một phần cột sống, dẫn đến xương bị yếu và các đốt sống sẽ bị xẹp lún.

Loãng xương là nguyên nhân phổ biến nhất. Những người có mức độ loãng xương không quá cao thì phải bị các chấn thương tác động vào như đánh nhau, té ngã hay mang vác vật nặng thì mới bị xẹp lún đốt sống. Đối với những trường hợp bị loãng xương nặng thì có khi chỉ cần hắt hơi mạnh hoặc làm động tác nào đó mạnh cũng đủ để đốt sống bị xẹp. Còn với những người bình thường không bị loãng xương thì phải bị thương khi chơi thể thao, tai nạn xe hơi nghiêm trọng hay bị đánh, té ngã thì mới bị xẹp đốt sống.

Ở phụ nữ sau mãn kinh thường xuyên sử dụng thuốc cortiocoid hay bị loãng xương cũng có khả năng cao mắc bệnh xẹp đốt sống.

  1. Triệu chứng gãy xẹp đốt sống

    Xẹp đốt sống là gì? Nguyên nhân và chẩn đoán xẹp đốt sống như thế nào? 1

Người bệnh bị hạn chế cử động cột sống

Người bệnh bị đau lưng đột ngột

Để lâu dài cột sống có thể bị biến dạng và tàn tật.

Khi đi lại hoặc đứng quá lâu thì mức độ đau cũng tăng lên.

Người bệnh cũng có thể bị giảm chiều cao do xẹp đốt sống gây ra.

Khi nằm ngửa thì các cơn đau sẽ giảm đi rất nhiều.

  1. Biến chứng do xẹp đốt sống gây ra:

Gù cột sống: Do bị thiếu khoảng đốt sống bình thường nên phần trước của đốt sống sẽ bị biến dạng và tạo thành hình chếm. Biến chứng này hay gặp ở phụ nữ bị loãng xương và lớn tuổi. Nếu nhẹ thì cột sống ngực sẽ cong hơn so với bình thường, còn nặng thì sẽ chèn ép vào các cơ quan nội tạng bên trong như phổi, tim, ruột, khiến người bệnh cảm thấy đau dữ đội và khó thở, cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi và chán ăn.

Mất vững từng đoạn cột sống: Bình thường các đoạn cột sống sẽ gắn kết lại với nhau để nâng đỡ toàn bộ cột sống cũng như giúp cho con người di chuyển, mang vác được các vật nặng dễ dàng. Khi hơn 50% thân đốt sống bị gãy xẹp thì biến chứng từng đoạn cột sống cũng sẽ bị mất vững. Biến chứng này lúc đầu sẽ làm cho người bệnh bị đau và hạn chế vận động, sinh hoạt cá nhân. Các giai đoạn về sau cột sống ở vùng bị tổn thương sẽ bị thoái hóa nhanh hơn

Các biến chứng thần kinh: Nếu như các mảnh vỡ bị đẩy vào trong ống sống thì khoảng trống giữa ống sống và tủy sống sẽ bị thu hẹp lại. Nếu chỗ bị gãy làm cho 1 phần thân đốt sống chèn lên tủy sống thì các dây thần kinh bên trong sẽ bị tổn thương. Việc thu hẹp khoảng trống giữa ống sống và tủy sống có thể làm các dây thần kinh tủy sống bị tổn thương ngay lập tức, tủy sống bị thiếu oxy và thiếu máu rất nhiều. Khi khoảng trống quanh các dây thần kinh bị giảm đi thì nó cũng sẽ mất tính linh động và cũng sẽ bị viêm ( bao gồm cả các rễ thần kinh ), gây ra các cơn đau cho người bệnh.

  1. Chẩn đoán gãy xẹp đốt sống

Có thể dựa vào một số phương pháp như sau để chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh:

Chụp cộng hưởng từ MRI: Dùng kỹ thuật máy tính và các từ trường mạnh để tạo nên các hình ảnh cấu trúc cơ thể trong không gian 3 chiều sẽ cho thấy rễ thần kinh, tủy sống cũng như tình trạng thoái hóa, phì đại và các khối u.

Chụp X quang: bác sĩ sẽ có thể nhìn thấy hình dạng chính của khớp cũng như cấu trúc của cột sống thông qua việc dùng những tia bức xạ tạo nên những thước phim hoặc hình ảnh chụp chiếu bên trong cơ thể. Nó cũng sẽ cho thấy tình trạng của bệnh như thoái hóa đĩa đệm, cấu trúc của xương hay gai xương ảnh hưởng đến các dây thần kinh như thế nào.

Đo độ đậm xương hoặc đo hấp thụ tia X hay còn gọi là năng lượng kép ( Dual energy x-ray absorptiometry – DXA/ DEXA ): Kỹ thuật này sử dụng 2 nguồn tia X khác nhau hướng vào xương theo tần số đã có sẵn. Nó có tác dụng xác định tình trạng loãng xương cũng như đo được mật độ của xương. Kỹ thuật này sẽ mất khoảng 4 phút để quét 1 phần hông, cột sống hay cả cơ thể và nó không hề gây đau. DEXA scan dùng để khảo sát các chi và xương sống cũng như phát hiện được cả các thay đổi nhỏ trong khối xương.

Chụp cắt lớp điện toán ( hay còn gọi là chụp CT ): Phương pháp này có thể được thực hiện chung với chụp tủy sống cản quang bằng cách sử dụng các tia X sẽ cho thấy kích thước, hình dạng cũng như cấu trúc của ống sống. Kỹ thuật này được áp dụng rất tốt để thấy các triệu chứng của bệnh, bao gồm cả xẹp đốt sống.

Ở bài viết sau chúng tôi sẽ giới thiệu cụ thể hơn về các phương pháp chữa trị xẹp đốt sống.